Xây dựng mô hình kinh doanh khi khởi nghiệp là yếu tố sống còn
Mô hình kinh doanh (Business Model) mô tả bạn chào bán cái gì, làm sao bạn tìm đến và thiết lập quan hệ với khách hàng. Thông qua những nguồn nào, những hoạt động và đối tác nào để bạn đạt được điều đó và cuối cùng là, bạn tạo ra lợi nhuận bằng cách nào.
Mục lục
Tầm quan trọng của mô hình kinh doanh trong khởi nghiệp
Mô hình kinh doanh giống như một bản kế hoạch chi tiết thể hiện lộ trình và bước đi của doanh nghiệp. Mô hình đó cũng cho chúng ta thấy các quyết định và quy trình của doanh nghiệp. Đó chính là cách thức doanh nghiệp tạo ra giá trị và nắm bắt chúng.
Nếu doanh nghiệp của bạn muốn phát triển và đứng vững trên thị trường thì cách tốt nhất là xây dựng một mô hình hiệu quả và mang tính cạnh tranh.
Nếu có thể hãy đổi mới và tạo ra mô hình độc đáo cho riêng công việc kinh doanh của bạn. Sản phẩm, dịch vụ có thể dễ dàng bị đối thủ sao chép nhưng mô hình kinh doanh thì khó có thể sao chép được.
Lý tưởng nhất là xây dựng doanh nghiệp với các tính năng độc đáo, tạo dựng lợi thế không công bằng và không dễ dàng sao chép được.
Các yếu tố của một mô hình kinh doanh
Mô hình kinh doanh thường đóng vai trò trung gian trong việc kết nối giữa hai lĩnh vực đầu vào kĩ thuật (Technical inputs) và đầu ra kinh tế (Economics outputs) của một doanh nghiệp.
Để thực hiện được điều đó, bạn cần xây dựng mô hình dựa trên 4 trụ cột sau đây:
- Quản trị cơ sở hạ tầng (Khu vực hoạt động): hoạt động chính, năng lực cạnh tranh cốt lõi và mạng lưới đối tác
- Sản phẩm (Khu vực sản phẩm/Dịch vụ): giá trị đề nghị
- Khách hàng (Khu vực khách hàng): khách hàng mục tiêu, kênh phân phối và quan hệ khách hàng
- Tài chính (Khu vực tài chính): cấu trúc chi phí và mô hình doanh thu
Các bước xây dựng mô hình kinh doanh để khởi nghiệp
Tùy theo điều kiện và loại hình sản phẩm, dịch vụ, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình kinh doanh riêng biệt. Tuy nhiên, về cơ bản khi xây dựng mô hình trong kinh doanh, chúng ta có thể áp dụng các bước sau:
1. Xác định nhu cầu khách hàng
Khảo sát, tìm hiểu nhu cầu khách hàng là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng. Bạn cần biết mình đang nhắm đến đối tượng khách hàng nào. Nhu cầu và sự quan tâm của họ là gì? Bạn cần phải làm gì để thu hút khách hàng?
2. Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh đáp ứng nhu cầu khách hàng
Sau khi đã tìm hiểu và nắm bắt được nhu cầu, mong muốn, sở thích của khách hàng thì bạn cần tạo ra những giá trị đáp để thỏa mãn nhu cầu của họ.
Tức là phải tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá cả, mẫu mã thỏa mãn khách hàng. Hơn nữa các sản phẩm dịch vụ đó phải độc đáo và luôn đổi mới.
3. Hoạch định chi phí sản phẩm phù hợp
Bạn phải hoạch định được chi phí phù hợp: làm sao để sản xuất được sản phẩm chất lượng với chi phí thấp nhất. Nhờ đó mang lại lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp.
4. Thiết kế cách đưa sản phẩm đến tay khách hàng
Để quảng bá sản phẩm, bạn có thể mở các chiến dịch marketing như: quảng cáo bằng tờ rơi, tổ chức hội chợ, triển lãm sản phẩm, đăng thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cho khách hàng dùng thử hoặc tặng khuyến mãi…
Từ đó bạn rút ra những bài học để hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp hơn. Ngoài ra bạn có thể xây dựng các kênh phân phối khác như mở đại lý, cửa hàng…để mang sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh nhất.
Hoàn thiện và thay đổi mô hình để thích nghi
Sau tất cả những bước trên, bạn cần bắt đầu chuẩn bị vốn đầu tư, nguồn nhân lực và tiến hành xây dựng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó có thể liên kết với những đối tác tiềm năng để phát triển bền vững, lâu dài.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh rất có thể bạn phải nghiên cứu để thay đổi một vài yếu tố hoặc thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh nếu bạn có hướng đi mới, sản phẩm mới cho thị trường.