Kỹ thuật thử nghiệm ý tưởng kinh doanh (từng bước một) - Vietnammind™
Kỹ thuật thử nghiệm ý tưởng kinh doanh

Kỹ thuật thử nghiệm ý tưởng kinh doanh (từng bước một)

Thử nghiệm ý tưởng kinh doanh là chìa khóa để xem liệu nó có thực tế hay không.

Đừng vội vàng tung ra một sản phẩm.

Nếu không có sự cân nhắc và lập kế hoạch cẩn thận, nó có thể là một sự lãng phí các nguồn lực quan trọng khi sản phẩm thất bại.

Thử nghiệm ý tưởng kinh doanh là hành động cần thiết để xác định thị trường mục tiêu và tinh chỉnh ý tưởng so với nhu cầu thực tế.

Đây là các bước thử nghiệm ý tưởng kinh doanh để xác định giá trị của nó:

Tư duy để thử nghiệm ý tưởng kinh doanh

Các doanh nghiệp có đủ khả năng thường thử nghiệm sản phẩm trước khi tung ra thị trường, còn những người khởi nghiệp thường né tránh do không biết cách thực hiện hoặc không đánh giá đúng tầm quan trọng của thử nghiệm.

Hãy tư duy lại!

Bạn cần phải sẵn sàng mắc sai lầm và thử nghiệm nhiều ý tưởng khác nhau.

Thất bại trong thử nghiệm sản phẩm cũng được coi là thành công, vì nó cho phép bạn hiểu rõ hơn điều gì hiệu quả và điều gì không hiệu quả.

Càng thử nghiệm, ý tưởng càng có cơ hội trở thành hiện thực.

Kết quả của việc thử nghiệm ý tưởng kinh doanh sẽ mở ra nhiều giá trị lâu dài cho mô hình kinh doanh. Một khi đã thử nghiệm thoả đáng, bạn cứ việc tiến hành mà không cần phải dừng lại để điều chỉnh thêm nữa.

Xây dựng sản phẩm khả thi tối thiểu

Sản phẩm khả thi tối thiểu (Minimum viable product – MVP)[1] là phiên bản đầu tiên của sản phẩm với các tính năng tối thiểu. Nó cho phép bạn nhanh chóng tiếp cận những khách hàng đầu tiên và nhận nhiều phản hồi nhất với ít nỗ lực nhất.

Đây là mẫu thử nghiệm để xác định tính thực tiễn của ý tưởng kinh doanh.

Sẽ rất tốn thời gian khi chúng ta mù quáng xây dựng giải pháp đúng cho một vấn đề sai hoặc lãng phí phát triển sản phẩm với quá nhiều thuộc tính không mong muốn.

Đừng vội tìm kiếm một sản phẩm hoàn hảo.

Ban đầu, hãy đưa một phiên bản khả thi tối thiểu ra thị trường và cố gắng thu thập càng nhiều phản hồi càng tốt.

Đó sẽ là nguyên liệu để bạn tinh chỉnh sản phẩm.

Thử nghiệm ý tưởng kinh doanh trên khách hàng mục tiêu

Khi nguyên mẫu đã sẵn sàng, hãy giới thiệu nó cho khách hàng mục tiêu.

Thử nghiệm trên một nhóm nhỏ cho thấy liệu khách hàng có quan tâm đến sản phẩm của bạn hay không. Thành công với các thử nghiệm nhỏ sẽ là tín hiệu của việc sản phẩm được đông đảo khách hàng đón nhận.

Xây dựng một website đơn giản với trang đích dành riêng cho sản phẩm. Sử dụng quảng cáo trả tiền trên mạng xã hội để truyền đạt thông điệp tới khách hàng mục tiêu. Bạn có thể theo dõi số lần nhấp vào quảng cáo hoặc số người điền vào biểu mẫu để biết có bao nhiêu người quan tâm đến những gì bạn muốn bán.

Hãy liên kết quảng cáo đến một trang đích (landing page), từ đó thu thập các thông tin về đối tượng quan tâm. Đây chính là cơ sở dữ liệu khách hàng tiềm năng mà bạn cần tiếp thị đầu tiên khi quyết định biến ý tưởng thành hiện thực. Chủ động thông báo cho khách hàng rằng sản phẩm đang dần được hoàn thiện và họ sẽ nhận được một thông báo khi mọi thứ sẵn sàng.

50 khách hàng tiềm năng là con số tối thiểu nên được khảo sát.

Hãy xem họ có xác định vấn đề như cách bạn nghĩ không. Điều mà bạn đang cố gắng giải quyết có thực sự là vấn đề đối với phần lớn thị trường mục tiêu của bạn hay chỉ là vấn đề của một nhóm nhỏ.

Vì chưa có sản phẩm thực tế, bạn có thể cung cấp khả năng đặt hàng trước (pre-order) để xác thực sự quan tâm của khách hàng.

Thực tế là:

Ngay khi hạ quyết tâm ra mắt một cuốn sách kinh doanh hạng nặng, tôi đã lên kế hoạch cho những đợt thử nghiệm ảo.

Sau một vài ngày chạy quảng cáo thử nghiệm phản hồi của thị trường, tôi đã nhận được 1 inbox hỏi mua sách và 3 email đăng ký nhận bản đọc thử. Đây là những kết quả nhỏ, nhưng chúng cho tôi thêm động lực để hoàn thành dự án tốt hơn.

Ngoài việc cho bạn kết quả so sánh với phép thử A/B để đưa ra những hành động phù hợp cho dự án, thì thử nghiệm ảo còn cho bạn những “cú huých”.

Tác giả Phạm Ngọc Anh

Tinh chỉnh mẫu thử nghiệm

Bạn sẽ nhận được những phản hồi hữu ích khi đợt thử nghiệm kết thúc.

Đây là lúc để chuyển sang giai đoạn sửa đổi và cải thiện những điểm yếu. Có thể xuất hiện những lời phàn nàn về tiện ích, chất lượng hoặc tính năng của sản phẩm… Điều quan trọng nhất là tìm ra các giải pháp cần thiết.

Bước này sẽ mang tới cho bạn một phiên bản phù hợp nhất của sản phẩm.


[1] Sản phẩm khả thi tối thiểu là một trong những thành phần chính của phương pháp khởi nghiệp tinh gọn được phân tích trong cuốn Khởi nghiệp tinh gọn (The lean startup) của tác giả Eric Ries.

Chia sẻ ngay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *