Áp dụng Hiệu ứng chim mồi vào định giá sản phẩm tối đa hoá doanh thu
Hiệu ứng chim mồi (Decoy Effect) là một chiến lược bán hàng đầy tinh tế. Nó dựa trên tâm lý: khi đối mặt với sự lựa chọn thứ ba – một “chim mồi”, khách hàng thường vui vẻ lựa chọn sản phẩm có giá cao hơn.
Mục lục
Hiệu ứng chim mồi là gì?
Hiệu ứng chim mồi là một trong những hiệu ứng trong kinh doanh được nhiều nhà quản lý áp dụng.
- Bạn đưa ra một mồi nhử cho khách hàng, hướng khách hàng đến mong muốn của bạn mà khách hàng vẫn vui vẻ chấp nhận và tự quyết định loại hàng mình muốn.
Nghe có vẻ hoang đường nhưng trên thực tế là vậy.
Khi chỉ đối mặt với 2 sự lựa chọn, khách hàng thường tốn rất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định giữa sản phẩm tốt hơn với giá cao và sản phẩm kém hơn nhưng có thể tiết kiệm được tiền.
Đứng trước tình huống nan giải trên, khách hàng thường “nhát tay” và tự thuyết phục mình chọn sản phẩm rẻ hơn, với hy vọng rằng số tiền tiết kiệm sẽ được sử dụng mới mục đích tốt hơn trong tương lai.
Một quyết định khá sáng suốt về mặt tài chính cá nhân nhưng đồng thời là một kết quả không người bán hàng nào mong muốn.
Đó chính là lý do “chim mồi” ra đời.
Thay vì chỉ có hai sự lựa chọn, sự xuất hiện của một chim mồi sẽ đảo lộn quyết định của khách hàng theo hướng có lợi hơn cho người bán.
Với mục đích nhằm nâng giá trị sản phẩm có giá cao trong mắt người tiêu dùng, các chim mồi tưởng chừng như bổ sung thêm sự lựa chọn cho khách hàng lại đẩy các “thượng đế” đến quyết định chi nhiều tiền hơn cần thiết.
Tâm lý học đằng sau hiệu ứng chim mồi
Hiệu ứng chim mồi là một trong những chiến thuật bán hàng dựa trên “định kiến nhận thức” của con người. Tuy là loài thống trị Trái đất nhưng con người thường xuyên đưa ra các quyết định và nhận định hoàn toàn sai lầm, nhất là khi có sự ảnh hưởng bởi:
- Thông tin bên ngoài
- Bản chất “phi lý trí” của tư duy
Định kiến nhận thức là một phần không thể tránh khỏi trong tư duy của mỗi người, vì thế, các quyết định dựa trên định kiến đã trở thành một phần đời sống và thường bị rất nhiều đối tượng bán hàng “lợi dụng”.
Hiệu ứng chim mồi còn có tên gọi khác là Ưu thế bất cân xứng.
Sự lựa chọn thứ ba sẽ có giá trị cao hơn sản phẩm/ dịch vụ có giá rẻ (Ưu thế), nhưng lại có giá thành quá gần hoặc cao hơn hẳn sản phẩm/ dịch vụ có giá thành cao (Bất cân xứng).
Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra, nếu có sự xuất hiện của Ưu thế bất cân xứng trong tổ hợp nhiều sản phẩm, các sản phẩm có chất lượng và giá thành cao hơn sẽ được chọn.
Nguyên tắc của hiệu ứng chim mồi
1. Khách hàng được quyền thoải mái lựa chọn
Đây là chiêu thức được khá nhiều thương hiệu áp dụng vào chiến lược marketing của mình. Thay vì để một mức giá cụ thể, có duy nhất một sự lựa chọn cho khách hàng, có thể đưa ra nhiều sự lựa chọn và hãy làm cho khách hàng thấy lựa chọn của mình dù bỏ ra nhiều hơn, mua được nhiều hơn, khách hàng vẫn vui vẻ vì chọn lựa theo ý mình. Quan trọng là tâm lý của khách hàng sẽ nghĩ rằng: “À, mình đã mua được rẻ”.
Hãy đi vào thực tế hơn, phương thức này rất được các thương hiệu đồ ăn nhanh áp dụng vào bán hàng hay con gọi là chim mồi trong bán hàng. Thay vì đưa ra những phần riêng lẻ, thì những combo sẽ giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Một phần cơm có giá 41.000đ, nhưng combo vừa có cơm vừa có nước chỉ có giá 35.000đ, nếu nhìn vào thì khách hàng sẽ chọn ngay phần combo. Chỉ với việc tạo ra combo cho khách hàng thì doanh nghiệp bán được hàng lên gấp 2 lần, nếu để ý kỹ chắc chắn giá một phần cơm chỉ là “giá mồi” để bạn thấy phần combo cơm + nước giá rẻ hơn.
2. Quy luật 100 trong giá cả và khuyến mại
Một biến thể khác của hiệu ứng chim mồi là cách áp dụng vào các chương trình khuyến mại giảm giá. Chiêu thức này cũng được sử dụng rất phổ biến trên thị trường. Nguyên tắc này đánh vào tâm lý người mua hàng, thường cái gì lớn và dễ dàng thuận tiện cho khách hàng sẽ dễ để lại ấn tượng hơn. Bạn có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng chiêu thức này, để ý kỹ thì đặc điểm của chiêu thức sẽ là:
- Nếu số tiền giảm giá cho sản phẩm khuyến mại mệnh giá hàng trăm nghìn đồng thì chính sách giảm giá sẽ được niêm yết theo tỷ lệ %.
- Nếu số tiền giảm giá cho sản phẩm khuyến mại từ hàng triệu trở lên thì chính sách giảm giá sẽ đùng đơn vị số tiền để giảm giá.
Để thấy một cách cụ thể hơn về chiêu thức này hãy cùng xem một số ví dụ:
- Đối với sản phẩm có mức giá nhỏ có mệnh giá hàng trăm, các doanh nghiệp kinh doanh bánh kẹo hay áp dụng nhất. Công ty bánh kẹo kinh đô có những chương trình giảm giá những mặt hàng bánh kẹo mỗi dịp trung thu. Trong chương trình khuyến mãi, 1 hộp bánh giá trị 150.000đ giảm 20%, tương ứng giảm 30.000đ, thì rõ ràng bạn thấy con số giảm 20% sẽ ấn tượng hơn rất nhiều.
- Đối với sản phẩm có mức giá có mệnh giá hàng triệu, các doanh nghiệp đồ điện tử, gia dụng cũng hay áp dụng. Một chiếc máy giặt có giá 10.000.000đ chẳng hạn, giảm được 15%, tương ứng 1.500.000đ, bạn sẽ ấn tượng với số tiền 1.500.000đ hơn rất nhiều so với mức 15% mà bạn chưa kịp tính toán ra.
3. Đánh lừa sự lựa chọn
Apple được các chuyên gia đánh giá là một “bậc thầy” sử dụng hiệu ứng chim mồi. Ví dụ như cùng một phiên bản MacBook Pro 13-inch, người dùng sẽ đứng trước 3 sự lựa chọn khác nhau.
– Mẫu cơ bản nhất với giá 1.499 USD.
– Mẫu có thêm một vài tính năng cũng như bộ xử lý nhanh hơn, với giá 1.799 USD (hơn 300 USD so với mẫu cơ bản).
– Và mẫu có đầy đủ chức năng với ổ cứng gấp đôi so với mẫu thứ hai với giá 1.999 USD (chỉ hơn 200 USD so với sự lựa chọn trung bình).
- Mẫu Macbook thứ 2 vai trò chim mồi vừa xóa mờ khoảng cách về giá giữa 2 mẫu rẻ nhất và đắt nhất, vừa thúc đẩy tâm lý “ngu sao không mua” của khách hàng, hướng họ đến mẫu máy có giá cao nhất.
Với tâm lý là một khách hàng chuẩn bị “lên đời” MacBook, rất khó ai có thể cưỡng lại mong muốn “tới bến” với chỉ 200 USD.
Và theo một nghiên cứu gần đây, các mẫu iPhone với dung lượng lớn luôn là sản phẩm “cháy hàng” trước tiên, một minh chứng quá rõ về khả năng “chim mồi” thuần thục của Apple.
Hiệu ứng chim mồi là một chiêu thức bán hàng vừa tinh tế nhưng cũng không kém phần hiệu quả. Câu hỏi được đặt ra là liệu bạn có thể áp dụng hiệu ứng này vào việc thiết kế sản phẩm trong công việc kinh doanh của mình để đạt được tối đa hoá lợi nhuận không?