1 ví dụ về chân dung khách hàng mục tiêu chi tiết - Vietnammind™
1 ví dụ về chân dung khách hàng mục tiêu chi tiết

1 ví dụ về chân dung khách hàng mục tiêu chi tiết

Khi phải ngồi xác định chân dung khách hàng mục tiêu cho sản phẩm của mình, bạn sẽ liệt kê những gì? Xem ví dụ này liệu bạn có thấy quen?

  • Độ tuổi: Từ 20-40
  • Giới tính: Tất cả
  • Vị trí địa lí: TP.HCM
  • Tình trạng hôn nhân: Độc thân hoặc đã kết hôn
  • Sở thích: Ăn uống, giải trí

Bạn có nhận ra lỗi sai là gì không? Khách hàng của bạn thuộc mọi loại giới tính, mọi loại tình trạng hôn nhân, thì tức là… bạn không xác định được gì cả. Như vậy việc bạn liệt kê các mục này vào đây là vô ích. Hãy bỏ qua và xác định những vấn đề giúp bạn phân loại khách hàng rõ ràng hơn.

Sau khi có những thông tin cần thiết ở các bước trên, bạn bắt đầu phác thảo nên chân dung một khách hàng giả tưởng. Nhân vật này sẽ có đầy đủ các thông tin, càng chi tiết càng tốt. Tham khảo mẫu dưới đây, nhắc lại, càng chi tiết càng tốt.

  • Sản phẩm

Điện thoại thông minh, chụp ảnh và selfie đẹp, giá 7 triệu VNĐ.

  • Khách hàng giả lập

Phạm Văn Phương

  • Thông tin cơ bản

Nữ, 20 tuổi, sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, chưa có người yêu, làm freelance designer cho một hãng thời trang, thu nhập cá nhân 5 triệu/tháng và có trợ cấp từ gia đình.

  • Một ngày bình thường của khách hàng

Thức dậy, ăn sáng và đi học đến chiều

Làm design tại nhà vào buổi tối và thường thức đến hơn nửa đêm

Có thói quen vừa làm vừa nghe nhạc trên Spotify hoặc YouTube

Đi lại ngoài đường bằng xe máy

Là người khá bừa bộn, ít dọn dẹp phòng và làm việc nhà

  • Hành vi online

Online Facebook gần như cả ngày nhưng lại ít đăng bài, online và đăng bài trên Instagram khá đều đặn.

Tham gia những nhóm cộng đồng trên FB về nhiếp ảnh, thiết kế, có bình luận sôi nổi.

Ngoài ra còn có sở thích đặc biệt là xăm hình nên rất hay xem các trang về tattoo.

Thích những bài có nhiều hình ảnh, ít chữ.

  • Những nguồn có thể ảnh hưởng đến khách hàng

Sống xa gia đình nên thường tự quyết định trong mua sắm, ý kiến của bố mẹ ít ảnh hưởng nếu vật dụng giá trị không quá cao.

Thường tham khảo ý kiến bạn bè, đàn anh hoặc hỏi thăm trên các nhóm cộng đồng trước khi quyết định mua hàng.

Rất để ý hình thức sản phẩm, có thể mua chỉ vì hình thức đẹp.

  • Khách hàng sợ hãi hay lo lắng điều gì?

Mình không theo kịp bạn bè, không phát triển khả năng, không có việc tốt sau khi ra trường.

Muốn xây dựng hình ảnh đẹp, chất nhưng lại không có quá nhiều tiền.

  • Những thương hiệu khách hàng yêu thích

The Coffee House, Zara

  • Khách hàng đang tìm kiếm điều gì?

Porfolio đẹp và một việc làm trong một agency lớn sau khi ra trường.

Những chuyến du lịch khám phá những vùng đất mới.

Một anh người yêu cùng đam mê sở thích.

  • Ước mơ, mục tiêu của khách hàng?

Xây dựng được thương hiệu cho riêng mình

Tạo ra những sản phẩm đình đám trong giới thiết kế

  • Chúng ta làm được gì cho khách hàng?

Một chiếc điện thoại chụp hình đẹp, chất giúp bạn xây dựng hình ảnh, được nhiều người chú ý, dễ dàng tìm người yêu.

Ghi lại khoảnh khắc trong những chuyến đi, khơi gợi niềm cảm hứng về cái đẹp.

Giá vừa túi tiền sinh viên.

Nên xây dựng ít nhất 3 chân dung khách hàng như vậy. Dù ba chân dung này chưa đủ để đại diện cho cả nhóm khách hàng mục tiêu, nhưng ít nhất bạn có một con đường để hình dung.

Sau mỗi lần thực hành, bạn sẽ càng “lên tay” và phác thảo được những khách hàng mục tiêu mang tính cách đặc trưng nhất cho nhóm người bạn đang nhắm đến.

Chia sẻ ngay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *