Cấu trúc thị trường và mức độ cạnh tranh - Vietnammind™
Cấu trúc thị trường và mức độ cạnh tranh

Cấu trúc thị trường và mức độ cạnh tranh

Cấu trúc thị trường (Market Structure) là một tập hợp các đặc tính của thị trường thể hiện môi trường kinh tế mà các doanh nghiệp hoạt động trong đó. Cấu trúc của một thị trường chi phối mức độ quyền điều chỉnh giá của doanh nghiệp trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Sự khác nhau giữa các kiểu thị trường thường được xem xét qua: số lượng người bán người mua, tính đồng nhất hay sự giống nhau của sản phẩm, sức mạnh thị trường, rào cản gia nhập thị trường, cạnh tranh qua giá và cạnh tranh phi giá.

Có ba đặc trưng về cấu trúc có tầm quan trọng chiến lược, liên quan đến cách ứng xử thị trường và hiệu quả thị trường.

1. Mức độ tập trung người bán và người mua: tính bằng số người bán, số người mua và phân phối quy mô tương đối của họ;

2. Điều kiện gia nhập thị trường: những lợi thế của nhà cung cấp hiện có trên thị trường so với số người mới gia nhập mà hàng rào cản trợ sự gia nhập tạo ra;

3. Bản chất của sản phẩm cung ứng: sản phẩm có đồng nhất không, có là đối tượng của chiến lược phân biệt sản phẩm không.

Cấu trúc thị trường #1: Cạnh tranh hoàn hảo (Perfect competition)

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo có rất nhiều người bán và người mua cung cấp sản phẩm được coi là giống nhau.

Không có doanh nghiệp nào có khả năng ảnh hưởng đến giá sản phẩm trên thị trường mà giá sẽ hoàn toàn do cung cầu của thị trường quyết định.

Tất cả người bán và người mua đều có hiểu biết đầy đủ về các thông tin liên quan đến việc mua bán, trao đổi.

Không có gì cản trở việc gia nhập hay rút khỏi thị trường của một người mua hay một người bán.

Để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh các doanh nghiệp buộc phải tìm cách giảm chi phí, hạ giá thành hoặc làm khác biệt hoá sản phẩm của mình so với các đối thủ cạnh tranh.

Trong thực tế, khó có một thị trường nào có đầy đủ những đặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn toàn.

Cấu trúc thị trường #2: Cạnh tranh độc quyền (Monopolistic competition)

Thị trường cạnh tranh độc quyền vừa có tính cạnh tranh vừa mang tính độc quyền là do trên thị trường có nhiều người bán sản phẩm vừa giống nhau lại vừa có sự khác biệt.

Trong đó nhiều công ty cung cấp các sản phẩm tương tự, nhưng không phải là sản phẩm thay thế hoàn hảo.

Các doanh nghiệp đều có chút ít thế lực độc quyền, có thể kiểm soát giá sản phẩm của mình. Không thể có một mức giá duy nhất cho tất cả sản phẩm mà hình thành một nhóm giá gồm nhiều mức giá nhưng chênh lệch không nhiều.

Cạnh tranh về giá và cạnh tranh phi giá thực sự rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh độc quyền. Vì khả năng thay thế của sản phẩm là rất cao nên doanh nghiệp nào có giá tốt, quảng cáo tốt, chất lượng cao, thương hiệu mạnh, dịch vụ hậu mãi tốt… đều nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường rất nhanh.

Trong thị trường cạnh tranh độc quyền, các doanh nghiệp sẵn sàng gia nhập và rút lui khỏi thị trường một cách dễ dàng, tuy nhiên cũng không quá dễ dàng gia nhập như thị trường cạnh tranh hoàn toàn, do đó các doanh nghiệp mới cần xem xét đến tình hình hiện tại trong ngành để từ đó có quyết định nên gia nhập thị trường hay không.

Cạnh tranh độc quyền có liên quan chặt chẽ đến chiến lược kinh doanh khác biệt hóa sản phẩm.

Cấu trúc thị trường #3: Độc quyền (Monopoly)

Thị trường độc quyền hoàn toàn chỉ có duy nhất một người bán, họ sản xuất ra một loại sản phẩm riêng biệt, không có sản phẩm khác thay thế tốt cho sản phẩm này.

Đối với doanh nghiệp độc quyền bán hoàn toàn, do là người bán duy nhất trên thị trường nên nhà độc quyền xác định mức giá càng cao thì chỉ bán được sản lượng thấp và ngược lại, nhà độc quyền muốn bán nhiều sản phẩm thì giá phải thấp.

Do là doanh nghiệp duy nhất cung cấp toàn bộ sản phẩm cho thị trường, với sức mạnh độc quyền quá lớn nên cạnh tranh về giá và phi giá là điều không cần thiết đối với doanh nghiệp độc quyền hoàn toàn. Những doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường này rất khó khăn và gần như không thể do bị những rào cản gia nhập rất lớn.

Cấu trúc thị trường #4: Độc quyền nhóm (Oligopoly)

Thị trường độc quyền nhóm là cấu trúc thị trường trong đó một số doanh nghiệp chi phối cả thị trường về hàng hóa. Mỗi doanh nghiệp đều phải cân nhắc các phản ứng có thể xảy ra của các đối thủ về quyết định sản lượng và giá bán.

Thế lực độc quyền của các doanh nghiệp độc quyền nhóm rất lớn do đó các doanh nghiệp mới khó hoặc không thể gia nhập ngành. Các doanh nghiệp nếu muốn gia nhập thị trường thường đối diện với các rào chắn như: độc quyền về bằng phát minh sáng chế hay quy trình công nghệ, có ưu thế về quy mô lớn, uy tín, thương hiệu, khả năng sản xuất thừa…

Cạnh tranh phi giá thực sự quan trọng đối với các doanh nghiệp độc quyền nhóm bởi vì thông thường giá của các sản phẩm giống nhau, doanh nghiệp nào có chính sách hậu mãi, quảng cáo, sức mạnh thương hiệu tốt hơn thì sẽ bán được nhiều hơn.

Chia sẻ ngay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *