10 phương pháp định giá sản phẩm trong khởi nghiệp kinh doanh
Phương pháp định giá đối với sản phẩm khởi nghiệp hay sản phẩm đang tái định vị đều là mấu chốt để chiến lược của bạn đạt được thành công. Hãy cùng xem xét một số cách có thể áp dụng cho sản phẩm của bạn nhé.
Mục lục
#1: Trả bao nhiêu tùy thích
Trả giá theo mong muốn (Pay what you want) là một hệ thống định giá trong đó người mua trả bất kỳ số tiền mong muốn cho một sản phẩm nhất định hoặc không có gì cả.
Trong một số trường hợp, mức tối thiểu được đặt ra, và/ hoặc mức giá đề xuất sẽ định hướng cho người mua. Người mua cũng có thể chọn một số tiền cao hơn giá tiêu chuẩn.
Cho phép người mua tự do trả những gì họ muốn dường như không có ý nghĩa nhiều đối với người bán, nhưng trong một số tình huống có thể rất thành công.
Chiến lược này thường được sử dụng ở những cuộc đấu giá, những sản phẩm mang giá trị không thể đo lường được (âm nhạc, hội họa…), những sản phẩm kết hợp với hoạt động từ thiện…
#2: Định giá thâm nhập
Định giá thâm nhập thị trường (Penetration Pricing) là một chiến lược được sử dụng để thu hút khách hàng mua sản phẩm mới bằng cách đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường (đặc biệt đối với những sản phẩm khó tạo sự khác biệt).
Mục tiêu của chiến lược giá này là lôi kéo khách hàng sử dụng sản phẩm mới, xây dựng thị phần, tạo dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng.
Một ví dụ điển hình là IKEA vào năm 2002 khi gia nhập thị trường Trung Quốc nổi tiếng tiết kiệm và đạo nhái, họ đã giảm 30% một số mặt hàng, mức giá thấp nhất trên thế giới. Chiến lược này đã vô cùng hiệu quả, hiện nay, IKEA đã chiếm giữ đến 43% thị phần thị trường nội thất tại đây.
Điều kiện để thực hiện được chiến lược định giá thâm nhập là:
- Thị trường nhạy cảm về giá
- Chi phí sản xuất và phân phối trên đơn vị sản phẩm giảm khi quy mô tăng
- Mức giá thấp phải duy trì được vị thế của công ty.
#3: Phương pháp định giá Freemium
Định giá Freemium (Freemium Pricing) là một từ ghép của 2 từ “tự do” và “cao cấp”.
Là một chiến lược định giá mà theo đó một sản phẩm được cung cấp miễn phí, nhưng tính năng bổ sung sẽ được tính phí.
Mô hình này được sử dụng bởi ngành công nghiệp game điện tử, game trực tuyến.
Ví dụ:
Các hình thức nạp tiền để mua những trang phục cao cấp trong Liên Minh Huyền Thoại hoặc phiên bản Microsoft 365 cao cấp với các ứng dụng Microsoft Office cao cấp, dung lượng lưu trữ đám mây bổ sung, độ bảo mật nâng cao, cùng nhiều lợi ích khác.
#4: Định giá cao cấp
Tiếng Anh còn gọi là Premium Pricing, doanh nghiệp sẽ đặt mức giá cao hơn đối thủ cạnh tranh của họ.
Cách định giá này thường áp dụng ở các mặt hàng high-involvement (người tiêu dùng phải cân nhắc nhiều trước khi mua) liên quan đến sức khỏe, sắc đẹp, phong cách cá nhân.
Các hãng thời trang định vị cao cấp có thể thấy như: Gucci, Chanel, Louis Vuitton…
Để khách hàng cảm thấy số tiền bỏ ra tương xứng với giá trị nhận được, doanh nghiệp cần nhiều nỗ lực marketing, chú trọng chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, thiết kế bao bì, tạo thêm giá trị gia tăng để xây dựng hình ảnh thương hiệu.
#5: Phương pháp định giá hớt váng
Theo chiến lược định giá hớt váng (Pricing Skimming), doanh nghiệp sẽ đặt mức giá cao nhất cho các đoạn thị trường sẵn sàng chấp nhận sản phẩm mới để thu được lợi nhuận.
Khi mức tiêu thụ giảm xuống thì doanh nghiệp lại giảm giá để thu hút thêm khách hàng mới và ngăn chặn đối thủ cạnh tranh.
Áp dụng cho các sản phẩm công nghệ cao, độc đáo, độc quyền…
Chẳng hạn như Iphone 6S khi ra mắt có giá khoảng từ 25-30 triệu đồng cho phiên bản dung lượng 16GB, sau 3 ngày ra mắt, giá giảm còn khoảng 18 triệu đồng. Sau nhiều tháng, hiện tại khi thị trường đang chào đón iphone 7 thì mức giá của iphone 6S bản 16GB đã giảm xuống chỉ còn 13.5 triệu đồng.
Điều kiện để định giá hớt váng là:
- Mức cầu về sản phẩm mới cao
- Chất lượng và hình ảnh sản phẩm hỗ trợ cho mức giá cao
- Đối thủ khó tham gia vào thị trường và làm cho mức giá giảm đi
#6: Định giá tiết kiệm
Chiến lược định giá tiết kiệm (Economy Pricing) là chiến lược mà các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cố định ở mức giá thấp.
Thông thường, các doanh nghiệp sẽ hạn chế ngân sách truyền thông, quảng bá khi áp dụng chiến lược định giá này.
Ví dụ các doanh nghiệp hàng không như Vietnam Airlines thường bán với giá rất thấp các khoang ghế hạng phổ thông vào mùa thấp điểm (như vào mùa đông, qua cao điểm mùa lễ tết) để tất cả các chỗ trống trong máy bay được lấp đầy.
Mục đích của việc định giá này là để doanh nghiệp thu hồi vốn cho những sản phẩm vào mùa kinh doanh thấp điểm.
Chúng ta thường thấy chiến lược này ở các ngành dịch vụ vận tải, kinh doanh hàng hóa theo mùa vụ (bánh trung thu, mứt kẹo tết…).
#7: Phương pháp định giá theo gói
Với chiến lược định giá theo gói (Bundle Pricing), doanh nghiệp sẽ đưa giá sản phẩm thấp hơn khi khách hàng mua nhiều sản phẩm cùng một lúc.
Đây là cách để doanh nghiệp tận thu giá trị doanh thu trên mỗi đầu khách hàng.
Khi nhận thấy mua gói các sản phẩm sẽ rẻ hơn mua từng sản phẩm tách biệt, họ có xu hướng lựa chọn mua cả cụm cùng một lúc.
Chính sách này có thể áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc đa dạng mọi lĩnh vực, từ nhà hàng, công nghệ.
Tại Lotteria, bạn có thể mua gà rán, đồ uống và khoai tây riêng, với mức giá cho mỗi loại sản phẩm là tách biệt. Tuy nhiên, cửa hàng có cung cấp gói combo gồm tất cả các đồ ăn nói trên, với mức giá rẻ hơn nhiều so với việc mua từng thứ riêng lẻ.
#8: Định giá theo tâm lý
Chiến lược định giá dựa theo tâm lý (Psychological Pricing) được coi là một hình thức “ảo thuật”. Các Marketer dùng chiến lược này để đánh vào cảm xúc khách hàng hơn là mặt logic.
Chẳng hạn khi mua một chiếc điện thoại di động ở Thế giới di động, bạn thường nhìn thấy mức giá chào bán sản phẩm thường rơi vào số lẻ, như 4.999.000 VNĐ cho một chiếc điện thoại, 99.000 VNĐ cho một cái tai nghe hoặc 19.999.000 VNĐ cho một chiếc laptop…
Giải thích cho chiến lược này, doanh nghiệp nói rằng tâm lý người tiêu dùng khi nghe mức giá 4.999.000 VNĐ cho một chiếc điện thoại sẽ cảm thấy nó không quá đắt bằng mức giá 5.000.000 VNĐ mặc dù sự khác biệt này rất nhỏ. Khách hàng thường chú ý đến con số đầu tiên của giá rồi đi đến quyết định mua hàng.
Hàng không cũng là một trong những ngành hàng thường xuyên sử dụng định giá theo tâm lý, chẳng hạn như Vietjet Air không ngừng tung ra những đợt săn vé rẻ, thậm chí vé 0 đồng, dĩ nhiên mức giá này chưa tính thuế và các chi phí liên quan. Biết là vậy nhưng rất nhiều khách hàng vẫn không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của cách thức này.
#9: Phương pháp định giá khuyến mãi
Để kích thích khách hàng mua sản phẩm, doanh nghiệp có thể sử dụng chiến lược Promotional Pricing nghĩa là dùng những chính sách khuyến mãi như giảm giá, tặng voucher, coupon hoặc quà tặng để định giá sản phẩm.
Khi mua điện thoại tại một cửa hàng di động, bạn có thể được mua hàng với giá giảm từ 7 triệu xuống còn 5 triệu đồng.
Thực ra, có thể chiếc điện thoại bạn mua có thể đang lỗi mốt, hoặc nằm trong diện sản phẩm bán chậm của cửa hàng. Đây là một cách bán tháo sản phẩm để lấy chỗ cho sản phẩm đời mới hơn vào kho.
Hoặc khi mua một chiếc ti vi đời mới, bạn được cửa hàng khuyến mại cho bộ quà tặng là chiếc kệ treo ti vi, hoặc một bộ bát sứ từ nhà cung cấp.
#10: Định giá động
Định giá động (Dynamic Pricing), còn được gọi là định giá đột biến, định giá theo nhu cầu hoặc định giá theo thời gian là chiến lược định giá trong đó các doanh nghiệp đặt giá linh hoạt cho các sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên nhu cầu thị trường hiện tại.
Các doanh nghiệp có thể thay đổi giá dựa trên các thuật toán giá cả, cung và cầu của thị trường và những động thái của đối thủ cạnh tranh…
Giá động là thường được sử dụng trong một số ngành như khách sạn, du lịch, giải trí, bán lẻ, điện và giao thông công cộng.
Điều này thường gặp ở những dịp lễ, Tết, các hãng xe, tàu lửa, máy bay sẽ đặt mức giá cao hơn thường lệ ở những thời điểm vàng mà lượng cầu tăng đột biến.
Việc định giá theo phương pháp nào phụ thuộc rất nhiều vào đặc trưng của sản phẩm và thị trường mà bạn đang tham gia. Hãy chọn một hoặc kết hợp một vài phương pháp định giá phù hợp cho bạn nhé.